Đối với người dân Nghệ Tĩnh nói chung và Hà Tĩnh nói riêng ngay từ thuở lọt lòng đã thấm đẫm làn điệu dân ca Ví, giặm, sản phẩm tinh thần này luôn đi theo con người xứ Nghệ suốt cuộc đời. Nhạc sỹ Trần Quốc Nam đã viết: “Khúc Dân ca có từ trong máu thịt, không thể dối lòng...làm sống dậy một hồn quê...”. Việc bảo tồn và phát huy giá trị đích thực của dân ca Ví, giặm đã và đang được hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh bảo vệ và lưu truyền.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Trong những năm qua, vượt lên những khó khăn thách thức, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn được tỉnh Hà Tĩnh coi trọng, đặc biệt là bảo tồn di sản dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh. Hà Tĩnh triển khai các hoạt động điều tra, nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý báu này, đồng thời có nhiều chính sách, biện pháp phù hợp nhằm huy động sự tham gia của nhiều tổ chức và nhân dân vào công tác này.
Việc tuyên truyền, quảng bá, dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh tới cộng đồng trong nước và quốc tế luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng, đã tổ chức nhiều liên hoan, hội thi hát dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh từ cấp xã đến cấp tỉnh, bên cạnh đó có kế hoạch kiểm kê, nghiên cứu và hệ thống hóa tư liệu, đặc biệt đối với dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh lời cổ, bảo tồn một cách khoa học, bền vững.
Hiện tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng các địa phương có di sản dân ca Ví, giặm cả về số lượng và thực trạng nghệ nhân biết ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh. Sở khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng truyền dạy thế hệ những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tạo, nối tiếp duy trì và phát triển dân ca Ví, giặm trong cuộc sống đương đại.
Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn Hà Tĩnh có hàng trăm câu lạc bộ dân ca đang hoạt động với hàng trăm ca nương, trong đó có nhiều nghệ nhân tuổi đời trên 80 tuổi. Nhiều câu lạc bộ dân ca hoạt động tích cực như: Câu lạc bộ dân ca Cương Gián, Xuân Liên (Nghi Xuân) Thạch Châu, Thịnh Lộc (Lộc Hà), Phù Việt (Thạch Hà), Kỳ Thư (Kỳ Anh). Các câu lạc bộ dân ca thường xuyên tham gia hội diễn từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh, từ đó nhân rộng và phổ biến sâu rộng hát Ví, giặm trong đời sống nhân dân. Ví, giặm được thực hành phổ biến trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng. Ngoài ra Ví, giặm được tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, trong trường học và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhạc sỹ sử dụng làm chất liệu sáng tác, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Nhạc sĩ Ngọc Thịnh cho biết: Ví, giặm Nghệ Tĩnh đã ảnh hưởng rất lớn trong các tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng, kết hợp hai chất liệu giữa Ví dàn trải, mênh mang sâu lắng, nhịp tự do và giặm có tính chất nhịp điệu khỏe mạnh. Nhiều tác phẩm có sự kết hợp hài hòa và hoàn chỉnh như ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người” của Đỗ Nhuận, “Người con gái Sông La’ của Doãn Nho, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của An Thuyên hay “Mai anh về Hà Tĩnh” của Trần Hoàn là sự kết tinh của làn điệu Ví, giặm.
Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Tĩnh đã dày công truyền đạt các làn điệu dân ca, các điệu ví cho thế hệ trẻ và phối hợp với các đơn vị tổ chức giảng dạy trong các trường học và Trường Cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du nghiên cứu, truyền dạy dân ca Nghệ Tĩnh trong trường như một chuyên đề chính khóa cho sinh viên.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh chỉ đạo Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh có nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn văn hóa nghệ thuật hiện nay, trong đó tập trung vào nhiệm vụ sưu tầm, phục hồi và phát huy các trò diễn xướng dân gian, dân vũ, các làn điệu dân ca cổ và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như hình thức sân khấu nhỏ, rối cạn, rối nước...nhằm phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh khảo sát, biên soạn, phân loại hệ thống kho tàng dân ca xứ Nghệ, ghi băng, ghi hình các làn điệu dân ca cổ còn truyền giữ trong dân gian. Phục dựng, xây dựng các chương trình nghệ thuật sân khấu nhỏ biểu diễn phục vụ nhân dân đồng thời phục hồi, phát huy vai trò diễn xướng dân gia, dân vũ các điệu dân ca hò, vè, ví giặm sắc bùa, ca trù, chèo, Kiều...
Trong quá trình bảo tồn dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh cũng bị tác động bởi cơ chế thị trường và tác động trong quá trình công nghiệp hóa, sự giao lưu văn hóa cũng như trong quá trình hội nhập quốc tế. Số nghệ nhân ở Hà Tĩnh đang ít dần, hoặc lớn tuổi, các làn điệu dân ca có nguy cơ mai một và ngày càng xa rời đời sống tinh thần của nhân dân. Không gian diễn xướng của dân ca Ví, giặm cũng bị tác động bởi thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên bị gượng ép, khuôn mẫu và hình thức không mang đến cho người xem, người nghe thấu hiểu giá trị đích thực của dân ca. Ngoài ra, việc sưu tầm, bảo tồn các làn điệu Ví, giặm cổ cũng gặp rất nhiều khó khăn như bị mai một, thất truyền hoặc các nghệ nhân đã nhiều tuổi nên không nhớ để truyền đạt lại và không ghi chép đầy đủ chỉ mang tính truyền miệng nên bị biến thể...
Ông Bùi Đức Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: Bảo tồn dân ca Ví, giặm trước hết phải trả về với tính cộng đồng công chúng để họ giữ gìn và phát triển. Bảo tồn cần gắn với sự kết hợp sưu tầm và lưu giữ để truyền lại cho thế hệ sau. Bên cạnh đó cần phải bồi dưỡng, đào tạo truyền dạy trong các trường học, mở các trại sáng tác để sáng tác thêm những bài hát theo âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai nhiều hình thức để bảo tồn và phát triển làn điệu dân ca Ví, giặm nhằm đưa di sản dân ca Ví, giặm không chỉ xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia mà còn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Vượt qua những thử thách thức và khó khăn, dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh có chỗ đứng vững chắc và được người dân lưu truyền trong dân gian, thực sự là di sản tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa người dân xứ Nghệ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung./