Sự kiện UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014 đã đánh một mốc son đối với văn hóa Việt Nam. Với người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, miền quê đã hàng ngàn năm sáng tạo, lưu truyền, gìn giữ và làm tươi mới loại hình sinh hoạt dân gian này thì càng có ý nghĩa đặc biệt. Hân hoan, mừng vui, mỗi người như thêm thấm đẫm dòng chảy ngọt ngào, mãnh liệt của ví, giặm và tự thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhân loại. Hà Tĩnh điện tử giới thiệu cảm nghĩ của một số nhạc sĩ và nghệ nhân ưu tú xung quanh sự kiện này.
Nhạc sĩ Lê Hàm: Vui sướng và tự hào không chỉ riêng tôi
Là một người bao năm sưu tầm, nghiên cứu các thể loại hát ví, hát giặm, đồng thời, sử dụng chất liệu ví, giặm vào trong các sáng tác, tôi rất vui mừng, phấn khởi, tự hào khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà của các tầng lớp nhân dân, văn nghệ sĩ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ví, giặm là kho báu của nhân dân tích lũy hàng ngàn năm nay, kho báu ấy cần được phát huy, nhân rộng để mọi người đều được tham gia sáng tác, biểu diễn, thưởng thức, phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân thêm phong phú, bản sắc dân tộc thêm đậm đà.
Muốn vậy, thứ nhất là phải duy trì, củng cố và phát huy CLB dân ca ví, giặm ở các địa phương. Thứ hai là phải đưa dân ca ví, giặm vào giảng dạy trong các trường học trên cơ sở tâm lý, lứa tuổi học sinh. Thứ ba là phải lưu trữ các làn điệu cổ, tác phẩm mới và in ấn thành các sản phẩm như băng, đĩa, sách, tài liệu để sử dụng, phục vụ nghiên cứu lâu dài. Điều quan trọng nhất là phải đưa chất liệu dân ca ví, giặm vào các ca khúc hiện đại, như các sáng tác của Nguyễn Văn Tý (Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh), Nguyễn Tài Tuệ (Xa khơi), Nguyễn Đức Toàn (Ta lại đào công sự), An Thuyên (Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác), Quốc Nam (Điệu ví giặm là em)… Cá nhân tôi đã sử dụng chất liệu ví, giặm vào các sáng tác như: Vinh - thành phố bình minh, Gái sông La, Người mẹ Làng Sen... Tới đây, tôi sẽ tham gia tư vấn cho các CLB, các hội diễn để sử dụng âm nhạc dân gian nói chung, ví, giặm nói riêng đạt hiệu quả cao.
Nhạc sĩ Ngọc Thịnh: Lấy cái tinh túy của ví, giặm mà hòa nhập vào hơi thở mới
Khi nói về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, người ta thường nhắc đến không gian diễn xướng, tức là cuộc sống lao động, sinh hoạt của những người nông dân. Sự kiện UNESCO vinh danh “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại” chính là bao gồm những giá trị của hôm qua và hôm nay, trong đó, hàm chứa cả yếu tố bảo tồn và phát huy.
Chất liệu dân ca ví, giặm đã đi vào ca khúc hiện đại như một sự tất yếu trong quá trình phát triển tự nhiên của con người, của môi trường xã hội. Vẫn còn đó những ca khúc vượt thời gian, đi cùng năm tháng như: Trông cây lại nhớ đến Người, Vui mở đường (Đỗ Nhuận), Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Nhớ về Hà Tĩnh (Giang Minh Thực) hay Con sông La (nhạc Trần Hoàn, thơ Hoàng Xuân Liễu), Vỗ bến Lam chiều (nhạc Trần Hoàn, thơ Thúy Bắc), Người con gái sông La (nhạc Doãn Nho, thơ Phương Thúy), Quê mình quê thơ (nhạc An Thuyên, thơ Yến Thanh), Gửi sông La (nhạc Lê Việt Hòa, thơ Hoàng Thị Minh Khanh)...
Với tôi, ví, giặm thật tuyệt vời, nhưng tôi không lấy đó làm “trang sức” cho mình. Được sinh ra và lớn lên, được tắm mình trong “dòng sữa” ví, giặm ngọt ngào, đã từ lâu, tôi đắm đuối với nó là để khai thác, để phát huy, phát triển, lấy cái tinh túy trong chất liệu mà hòa nhập vào hơi thở mới. Có khi tôi sử dụng giai điệu từ các quãng trưởng hoặc thứ của hát ví, khi lại dùng nhịp điệu nhanh hoặc chậm của hát giặm (ví, giặm cũng tùy theo không gian diễn xướng của từng vùng quê mà có các tên gọi riêng, lối hát riêng). Có khi là khai thác những ý nghĩa của ca từ rồi thêm gia vị của thời đại, phong cách, tiết tấu, hòa thanh... để hồn cốt của ví, giặm thấm vào, tạo nên sự hài hòa, tươi mới trong hình hài của ca khúc mà mang nó đi qua không gian, thời gian, từ mảnh ruộng của một miền quê nghèo, nắng gió đến với những phương trời xa lạ. Và tôi cũng có cảm nhận rằng, ở đâu có cộng đồng chung sống, có nước mắt, có nụ cười, có giận hờn, có tình yêu thương, có thơ, có nhạc, có nhân văn, nhân ái... nơi ấy, mọi người sẽ dành cho ví, giặm một phần trái tim của mình. Có lẽ vì vậy, các ca khúc: Hà Tĩnh quê mình, Câu đợi câu chờ, Tình em câu giặm, Ca dao sông quê, Nỗi nhớ miền Trung… của tôi đã được nhiều người yêu thích.
Chất liệu dân ca đầy ắp trong tâm hồn, khi viết cốt làm sao cho nó nhẹ nhàng, chân thực, không gò ép, liều lượng vừa đủ là được. Chúng ta không thể sáng tạo dân ca như ông cha nên cần phát huy bằng cách đưa ví, giặm vào trong ca khúc, làm cho nó thêm phong phú, đa dạng hơn và phải thường xuyên cho người nghe cảm giác mới mẻ.
Nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Quốc Nam: Hy vọng ví, giặm lan tỏa khắp năm châu
Sử dụng chất liệu dân ca vào sáng tác nghệ thuật là dòng chảy tự nhiên của nền âm nhạc, nghệ thuật mọi quốc gia, thời đại. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật gắn với các giai đoạn phát triển của tỉnh nhà, tôi đã có nhiều tác phẩm sử dụng chất liệu dân ca, trong đó có ví, giặm Nghệ Tĩnh. Khi làm nhiệm vụ quản lý chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca - múa - kịch Hà Tĩnh, tôi đã chỉ huy, dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật nhiều vở diễn dân ca Nghệ Tĩnh như: Hoa khôi dạy chồng, Nàng Mai tế chồng, Tim vàng, Người trong kỳ vọng, Thầy khóa làng tôi, Pho tâm lĩnh… Các chương trình ca múa nhạc như: Người hát giặm ca trù, Thương nhau tìm về, Âm vang miền non nước, Âm vang sông La... do tôi chỉ đạo đã giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu, ca múa nhạc, liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp do Bộ VH-TT&DL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Trong lĩnh vực sáng tác, tôi đã sử dụng tương đối nhiều chất liệu ví, giặm Nghệ Tĩnh vào ca khúc. Ở ca khúc Mãi thương nhau có câu: “câu ví giận thương có từ thời dựng nước” khẳng định sức sống bất diệt của dân ca Nghệ Tĩnh. Quá trình gắn bó với ví, giặm Nghệ Tĩnh đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, những dấu ấn cuộc đời. Còn nhớ, khi ca khúc Điệu ví giặm là em được ca sĩ Sao Mai hát nhiều lần trong các cuộc thi, hội diễn và phát trên truyền hình, nhiều người Việt Nam xa quê ở Mỹ, Nga, Pháp, Ba Lan, Đức... đã bày tỏ xúc động, gọi điện chúc mừng tác giả và yêu cầu được nghe lại.
Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương nhằm phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ có trách nhiệm sưu tầm, bảo tồn, phát triển các làn điệu dân ca ví, giặm. Ở các tỉnh khác, các nhạc sĩ cũng rất ưa thích lựa chọn chất liệu ví, giặm để xây dựng tác phẩm, làm nên những bài ca đi cùng năm tháng. Điều đó vừa khẳng định tính hấp dẫn, sự lôi cuốn của loại hình dân ca này, vừa là hành động bảo tồn rất đáng trân trọng trong xu thế hiện nay. Tôi hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều CLB, hội diễn, diễn đàn chuyên sâu về ví, giặm và các trại sáng tác ca khúc được tổ chức để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lan tỏa khắp cả nước, vươn xa hơn đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài và bạn bè năm châu”.
Nghệ nhân dân gian Thanh Minh: Tình yêu không bao giờ nhạt phai
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi ví, giặm; những câu hò, điệu ví của bà, của mẹ, những câu chuyện được kể qua lời hát của bậc cao niên trong làng và đặc biệt được theo học cố nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Trần Đức Duy (Ba Duy) - một trong những người có công đầu trong việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn DSVH Nghệ Tĩnh 10 năm cuối của thế kỷ trước, tôi đã và đang sống trọn đời mình với từng làn điệu ví, giặm.
Hòa chung dòng cảm xúc với tin vui dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh, tôi hiểu rằng, đó cũng là lời nhắc nhớ, trọng trách đặt ra cho mỗi người Việt Nam, nhất là những nghệ sĩ như tôi trong việc phát huy và bảo tồn bền vững DSVH phi vật thể. Suốt cuộc đời, tôi đã đi khắp mọi miền đất nước, đem lời ca, tiếng hát của mình làm đẹp thêm tình quê, cổ vũ tinh thần chiến đấu, sản xuất. Ngày nay, tôi lại tiếp tục gieo mầm, khơi dậy cảm hứng yêu thích thể loại âm nhạc dân gian này cho lứa tuổi xanh.
Tôi cùng những người có chung niềm đam mê thành lập CLB ví, giặm Thành Sen - phường Tân Giang, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ cụ già 60-70 tuổi đến em nhỏ 8-10 tuổi. Tôi còn tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du; dạy hát cho các cháu tiểu học, THCS nếu có yêu cầu. Tôi thường lắng nghe, sao chép, gìn giữ những khúc dân ca cổ của các bậc tiền nhân; nhận lời viết các tổ khúc dân ca, sáng tác những lời ca mới.
Với đam mê của mình, tôi mong muốn và đang cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ đưa ví, giặm thấm sâu vào trái tim mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Với tôi, đây là cái nghiệp, là trách nhiệm, cũng là niềm yêu không bao giờ phai nhạt và là cách để tôi đáp lại ân tình Xứ Nghệ đã nuôi lớn tâm hồn tôi.
Nghệ nhân dân gian Trần Thị Lý: Hát để quên đi mệt nhọc, để cố kết cộng đồng
May mắn được sinh ra trên mảnh đất và gia đình có truyền thống hát dân ca, bố là nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Trần Đức Duy, tôi lớn lên trong sự sâu lắng ân tình của từng câu hò, điệu ví phường vải Trường Lưu. Ngoài hát dân ca, bố tôi còn tự soạn những tiết mục, tổ khúc, đưa ví phường vải đến gần hơn với công chúng trong nước và nước ngoài. Tôi cũng hát ví, giặm và yêu thích, say mê ví, giặm lúc nào không hay.
Từ nhỏ tới lớn, tôi luôn góp mặt vào đội văn nghệ của trường hay những hoạt động đoàn ở địa phương. Ngày ấy, phong trào hát dân ca ví, giặm còn mạnh, từng câu hát như người bạn tâm giao; hát để vui, quên đi mệt nhọc, để cố kết cộng đồng. Yêu nghệ thuật truyền thống, với tôi cũng là tình yêu dành cho người cha đáng kính, cho quê hương, đất nước.
Sau này, tôi cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Hà tham gia tập luyện và truyền dạy ví, giặm cho con em địa phương. Cùng với các CLB dân ca ví, giặm trong tỉnh, CLB Ví phường vải Trường Lưu cũng được thành lập và sinh hoạt hàng tháng với 20 thành viên đủ mọi lứa tuổi. Khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, sự tự hào cùng trách nhiệm bảo tồn, phát huy trở thành động lực lớn nhất để các thành viên say mê hơn với loại hình nghệ thuật truyền thống. Hiện nay, các tiết mục dân ca ví, giặm phong phú và đa dạng hơn bởi được xây dựng bằng các đối ca, hoạt cảnh hấp dẫn như: Ví, giặm bát cảnh Trường Lưu, Mời bạn về Trường Lộc quê tôi… Dân ca ví, giặm Xứ Nghệ đã được vinh danh, nhưng làm sao để phát huy hết giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này lại luôn là nỗi trăn trở của những người dành trọn tình yêu cho ví, giặm. Chỉ mong, thế hệ trẻ đến với dân ca ví, giặm nhiều hơn nữa để luôn nhớ về nguồn cội.