Theo gia phả lưu truyền để lại, dòng họ Hà là một trong những dòng họ lớn, có mặt rất sớm ở Hà Tĩnh (1415), phát tích từ xã Lạc Dung, huyện Kỳ Hoa. Đến thời nhà Lê con cháu họ Hà di cư đến xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc sinh sống nhiều đời ở đây. Sau đó đến đầu thế kỷ thứ XVII, do biến cố lịch sử (dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh), nên một số con cháu họ Hà phải di dời phân tán đi khắp nơi, trong đó có một người con vào làng Kim Nặc - Tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (nhánh Hà Tôn Nhân). Một người về Yên Định (Thanh Hóa), một người về xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh (nhánh Hà Tôn Danh). Trong gia phả họ Hà ở Thanh Hóa có ghi mấy câu:
“Tỉnh Thanh đôi ngã bốn chi
Trưởng chi Can Lộc, thứ về Cẩm Xuyên
Thứ ba Yên Định băng miền
Thứ tư đến xã Tiên Điền, Nghi Xuân”
Dòng họ Hà Huy dâng hương tại khu mộ cố Tổng bí thư Hà Huy Tập
Các bậc tiền bối của dòng tộc Họ Hà, Dưới thời vua Trần Dụ Tông có Thủy tổ họ Hà là Thượng Tướng quân Hà Công Mại hay còn gọi là Hà Mại (1334-1410), ông là một người văn võ song toàn, Ông từng chỉ huy đội quân bảo vệ vua đi kinh lý phía Nam nước Đại Việt, trấn Nghệ An. Năm 1356, ông làm tướng chỉ huy đội quân bảo vệ biên giới phía Nam nước Đại Việt chống quân Chăm. Năm 1377, ông trấn thủ xứ Nghệ An với hàm Thượng tướng quân, tước Thượng vị hầu.
Đại tướng quân Hà Tông Chính (còn gọi là Hà Dư), sinh năm 1366, là con trai của tướng quân Hà Mại. Năm Bính Tý (1396), do có nhiều thành tích trong chỉ huy chiến đấu và bảo vệ biên giới, ông đã được triều Trần phong Hoàng Bảng Đại tướng quân. Mùa đông năm Mậu Tí (1408) tướng quân Hà Tông Chính và con trai thứ hai là Hà Sản tham gia và chỉ huy trận Bô Cô đánh tan 10 vạn quân Minh…
Dưới triều đại vua Lê Thánh Tông có Hà Tôn Trình, năm Quang Thuận thứ 7 (1467), đậu Nhị giáp Tiến sỹ, khi ông mới 37 tuổi. Sau đó ông được bổ nhiệm làm tri huyện Tứ kỳ, Tri phủ Triệu Phong, rồi làm Tham chánh đạo Nam Sơn. Ông là bậc hiền tài trong thiên hạ, một vị quan thanh liêm hết lòng chăm lo việc dân, việc nước. Ông được thăng Quốc tử giám tế tửu (người đứng đầu trong các cuộc thi tiến sỹ), làm Thái Thượng thư khanh, sau đó được vua Lê sắc phong Thượng thư Bộ Binh kiêm Thượng thư Bộ Hình.
Dưới triều Lê Hy Tông có Hà Tôn Mục, đậu Tiến sỹ khoa Mậu Thìn (1688), có kiến thức uyên thâm, giỏi ngoại giao nên được vua cử đi sứ phương Bắc. Ông đã giữ trọn khí chất trung nghĩa, thuyết phục đối phương nhận ra lẽ phải trái, buộc Sầm Nghi Phượng phải viết thư tạ lỗi, rút quân khỏi đất Tuyên Quang, giữ được yên bình vùng biên giới. Sau này, ông được vua Lê sắc phong “Thượng Thư hầu”.
Họ Hà Huy tại làng Kim Nặc - Tổng Thổ Ngọa, quê hương Cẩm Hưng ngày nay có có các vị tiền bối tiêu biểu sau: Dưới triều Lê Dụ Tông, có Hà Tông Huân, đậu Bảng nhãn; Đời thứ 8 có Hà Huy Sào, 20 tuổi đã thi đậu tam trường, được bổ nhiệm làm Hiệu sinh tại phủ nhà, sau đó làm quan Tri huyện Bình Dương, rồi Tri phủ Trường Khánh; đời thứ 9 có Hà Huy Phúc, 30 tuổi thi đậu tam trường, được bổ nhiệm Hậu sinh tại phủ nhà.
Đời Lê Cảnh Hưng có Hà Huy Đán (cụ nội Hà Huy Tập) đỗ tú tài (1819), được vua Lê sắc phong “Tư doãn đồ”; Ông nội Hà Huy Tập là Hà Huy Phẩm, đậu cử nhân đời nhà Nguyễn, đời vua Tự Đức và làm Đốc học Quảng Bình; Bác ruột Hà Huy Tập là bác sỹ Hà Huy Sàn làm quản đốc Nhà thương Hà Tĩnh và là con rể của chí sỹ yêu nước Ngô Đức Kế (Can Lộc); Con trai Hà Huy Sàn là Hà Huy Kham đỗ tú tài, làm nghề dạy học; người bác thứ hai của Hà Huy Tập là Hà Huy Liêm làm quan đốc học lục tỉnh Nam Kỳ; thân sinh của Hà Huy Tập là Hà Huy Tương, người được học hành tử tế, dự thi hương nhưng không ra làm quan, về quê dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân.
Theo sử sách ghi lại thì họ Hà ở Cẩm Hưng nói riêng và huyện Cẩm Xuyên nói chung, thời phong kiến, có nhiều người học giỏi, thi đỗ đạt cao, nhiều người đậu cử nhân xuất sắc; từ khi chính quyền về tay Nhân dân (1945) đến nay, họ Hà Cẩm Xuyên có rất nhiều vị là có học hàm học vị cao, nhiều nhân sỹ trí thức, tiêu biểu như: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Hà Huy Tập (đời thứ 14); Nhà cách mạng Hà Huy Giáp - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương (chi ở Hương Sơn); Hà Huy Lương (đời thứ 13) - Đảng viên 30, 31, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; GS,TS,TTND Hà Huy Tiến (đời thứ 15), nguyên là Viện trưởng Viện mắt TW; Chuyên gia cao cấp Bộ Ngoại giao Hà Huy Tâm (đời thứ 15, thành viên tham gia đàm phán và ký Hiệp định Paris 1973; Con trai Hà Huy Tiến là PGS,TS, Bác sỹ cao cấp Hà Huy Tài (đời thứ 16), Trưởng khoa Mắt - Bệnh viện mắt Trung ương; Con trai cả của Hà Huy Tâm là Hà Huy Thông (đời thứ 16), Chuyên gia cao cấp của Bộ ngoại giao, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Hà Lan, sau làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; con trai thứ của Hà Huy Tâm là TS.Hà Huy Tuấn, làm Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia… và có nhiều rất người giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội, đặc biệt con em họ Hà Huy hiện nay có rất nhiều doanh nhân tiêu biểu, thành đạt, hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội khác…
Điều đó cho thấy sức sống của họ Hà Huy Hà Tĩnh thực sự lớn mạnh, các vị tổ tiên ở đây đã nỗ lực tu dưỡng bản thân, vươn lên tạo phúc cho dân, lập công cho nước. Đặc điểm dễ nhìn thấy nhất ở dòng họ này là văn võ song toàn. Ngoài ra, đây là một dòng họ có truyền thống thức thời, hậu duệ các đời luôn biết hướng thiện, hướng theo sự tiến bộ của thời đại. Sức sống của dòng họ còn được thể hiện ở tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các thành viên, các chi nhánh theo một lực hướng tâm mãnh liệt về cội nguồn và một quan điểm xã hội khoáng đạt trong quan hệ với thiên hạ. Đấy là những nguyên nhân quan trọng khiến qua bao nhiêu lần “vật đổi sao dời”, họ Hà vẫn giữ được nhiều di tích, thư tịch, tài liệu để củng cố mối liên lạc giữa các chi nhánh, thế thứ; đồng thời có được nội lực lớn để thích ứng và phát triển trong mọi hoàn cảnh.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đang ra sức đề cao chủ trương xây dựng và phát triển một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó, việc khôi phục lại truyền thống văn hóa dòng họ được chú trọng. Hiện tại Hội đồng gia tộc họ Hà Huy đã thành lập ra Ban Di sản của dòng họ để truy tìm thư tịch, di tích, nhân vật, để phục hưng tông tộc, dương danh dòng phái, khích lệ cháu con làm nên một cuộc “tôn tộc đại quy” nhằm đóng góp nhiều nhất cho dân tộc trong bối cảnh có nhiều thời cơ và thách thức mới.
Có thể nói, những dòng họ lớn như họ Hà Huy Hà Tĩnh thật sự tiêu biểu cho lịch sử sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam và chứng minh một cách thuyết phục chân lý “nguồn lớn thì dòng mạnh, gốc cả thì cành to” trong quan niệm của người xưa về quy luật phát triển cộng đồng xã hội./.
ThS Hà Huy Trinh