(Baohatinh.vn) - Nhìn lại lịch sử thì bất cứ thời đại nào và trước bất cứ kẻ thù nào, Hà Tĩnh vẫn là vùng phên dậu, căn cứ địa - nơi cung cấp sức người, sức của và hy sinh lớn lao cho dân tộc.
Ở đây, chủ nghĩa yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường để giành độc lập cho dân tộc, tinh thần cách mạng quật khởi như một hằng số, thấm sâu trong cốt cách, phẩm chất của người Hà Tĩnh.
Thế kỷ thứ VIII đã có khởi nghĩa Mai Thúc Loan. “Tiếng hô hưởng ứng bốn phương/ Uy danh bách chiến khiến Đường phải kinh/ Sông Lam trăng lấp sóng kình/ Núi Hùng sớm đã bặt hình sói lang”(1). Điều này đã khẳng định người dân ở đây không chỉ tham gia, hưởng ứng các phong trào nổi dậy mà còn tự mình đứng ra tổ chức các cuộc khởi nghĩa chống lại kẻ thù phương Bắc để giành độc lập.
Trong gần 1 thế kỷ cuối triều Lý, miền Hà Tĩnh lại thường xuyên chịu nạn cướp phá của quân Chân Lạp, Chăm Pa. Cuộc sống của người dân ít khi được yên ổn. Tuy nhiên, Hà Tĩnh trở thành nơi dự trữ lương thảo cho các cuộc chinh chiến của nhà Trần, nhà Hồ, nơi xuất phát của các cuộc hành quân vào Chăm Pa hay sang Ai Lao. Thấy được sự đóng góp to lớn của nhân dân vùng này nên trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285, vua Trần Nhân Tông đã tự hào nói (dịch nghĩa): “Cối kê chuyện cũ người nên nhớ/ Hoan Diễn còn kia chục vạn quân” (2).
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ thứ XV, người Hà Tĩnh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi có quốc công Đặng Tất, một vị tướng chỉ huy xuất sắc. Tấm gương tiết liệt của danh tướng Đặng Dung; uy vũ lừng lẫy trời Nam của nghĩa vương Nguyễn Biểu… vang dội non sông.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh còn có những vị tướng tài danh như: Nguyễn Biên với khởi nghĩa ở Động Choác (Cẩm Xuyên); Nguyễn Tuấn Thiện, vị khai quốc công thần triều Lê vùng lên theo cờ nghĩa Lam Sơn… Sau này, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch đã có thơ vịnh núi Thiên Nhẫn. “Đất giáp ba sông hiểm/ Núi như muôn ngựa phi/ Chương, Hương chia hai ngả/ Lam, Phố hợp ba chi/ Hoan, Đức khoe trấn hiểm/ Trà, Cao giữ biên thùy/ Bình Ngô ngày thuở ấy/ Phá giặc dựng cơ ngơi” (3).
Bảo vật quốc gia súng thần công “Bảo Quốc an dân Đại tướng quân” năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) được phát hiện tại vùng biển Nghi Xuân năm 2003. (Trong ảnh: 1 trong 3 khẩu súng thần công được trưng bày tại bảo tàng tỉnh). Ảnh: Thiên Vỹ.
Đây là thời kỳ Nhân dân Hà Tĩnh góp nhiều công sức cùng với nghĩa quân Lam Sơn xây đắp một loạt thành lũy trong khu căn cứ Đỗ Gia. Thanh niên trai tráng các châu, huyện náo nức lên đường gia nhập nghĩa quân tham gia nhiều trận đánh thắng vang dội như trận Bồ Đằng, Trà Lân. “Mở nước ghi công trong Lê sử/ Truyền đời đức dài tựa Phố giang” (4).
Sau thời kỳ Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVI - XVII), đến cuối thế kỷ XVIII, người Hà Tĩnh tiếp tục tham gia cùng vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Tên tuổi và công lao những người con ưu tú của Hà Tĩnh như các Đô đốc Hồ Phi Chấn, Dương Văn Tào - những tướng lĩnh tài ba đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) ở Thăng Long đánh tan 20 vạn quân Thanh.
Một trong những thời kỳ vẻ vang của Hà Tĩnh từ sau ngày thành lập tỉnh năm 1831 là phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay từ năm 1858, tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) khi 80 tuổi đã về hưu, sức yếu vẫn dâng sớ xin nhà vua ra trận cứu nước. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa trên đất Hà Tĩnh không ngơi nghỉ, luôn sục sôi ý chí diệt giặc cứu nước.
Năm 1874, khởi nghĩa “cờ vàng” của Trần Quang Cán (xã Sơn Trung, Hương Sơn) và Nguyễn Huy Điển (xã Thạch Xuân, Thạch Hà). Năm 1885, Lê Ninh dấy binh xướng nghĩa trong phong trào Cần vương. Cũng năm đó, Phan Đình Phùng tổ chức và trở thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Đây là một cuộc kháng chiến rộng khắp đã bùng lên ở Hà Tĩnh. Các tầng lớp sỹ phu và Nhân dân đã nhất tề nổi dậy làm cho thực Pháp và triều đình phong kiến lo sợ phải dốc toàn lực để đối phó, đàn áp.
Trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Cao Thắng - một dũng tướng tài của nghĩa quân đã chế thành công loại súng trường theo mẫu 1784 của Pháp để bắn Pháp.
Tháng 3/1930, Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập, lãnh đạo Nhân dân làm nên cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931. “Trống Xô-viết rung trời cách mạng/ Cờ búa liềm đỏ đất Hồng Lam!” (Tố Hữu). Tinh thần yêu nước cùng với lý tưởng cách mạng đã tạo nên sức mạnh vĩ đại của vùng đất và con người nơi đây. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Tĩnh tiếp tục góp phần quan trọng vào kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới sau này.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh - từ trận đầu thắng Mỹ (26/3/1965) ở núi Nài đến những chiến công trên mặt trận giao thông vận tải, những đợt tuyển quân lớn với hàng vạn con em lên đường ra trận đã góp phần vào những chiến công chung của dân tộc. Những tên đất, tên làng, tuyến đường như Ngã ba Đồng Lộc, phà Bến Thủy, Địa Lợi, Linh Cảm, Làng K130, Đèo Ngang… đã đi vào lịch sử của dân tộc anh hùng.
Truyền thống yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm của vùng đất và con người Hà Tĩnh đã tô thắm trang sử vàng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó như những tượng đài, những di sản vô giá để các thế hệ tiếp nối gìn giữ, phát huy, tạo thành sức mạnh bảo vệ non sông gấm vóc..
-------------------------
(1) Lịch sử Hà Tĩnh tập 1. NXB Chính trị quốc gia, HN. 2000, tr.110;
(2), (3), (4) Sđd, tr.143, 193, 204.
Phan Trung Thành theo báo Hà Tĩnh