Nguyễn Đình Cương (1902 - 1970)
Nguyễn Đình Cương sinh năm 1902 tại làng Lương Điền, tổng Thổ Ngọa (nay thuộc xã Cẩm Hưng), huyện Cẩm Xuyên trong một gia đình buôn bán khá giả. Thân sinh là ông Nguyễn Đình Đính và bà Chu Thị Điệp. Ông Đính thuộc lớp đảng viên đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên. Ông bị địch bắt cuối năm 1930, bị tra tấn đến hy sinh trong nhà lao Hà Tĩnh. Sau này, ông Nguyễn Đình Đính được truy tặng Liệt sỹ, bà Điệp được truy tặng Danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng”.
Nguyễn Đình Cương là em trai của Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên đầu tiên Nguyễn Đình Liễn và là em rể cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, trên quê hương cách mạng nên từ nhỏ tinh thần yêu nước đã thấm nhuần trong con người Nguyễn Đình Cương. Nhờ được học hành chu đáo, Nguyễn Đình Cương được nhận vào làm thư ký ở Sở Công chính tỉnh Quảng Trị. Bề ngoài cộng tác với chính quyền thực dân phong kiến nhưng thực chất bên trong, ngay từ giữa những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Đình Cương đã bí mật tham gia các hoạt động cách mạng. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tháng 6/1925, “một số thanh niên trí thức, công chức làm việc trong các công sở ở tỉnh lỵ, chủ yếu là trong sở công chánh và một số tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước thành lập nhóm “Việt Nam độc lập đảng” do Nguyễn Đình Cương làm ở Sở Công chánh, quê Hà Tĩnh đứng đầu, với mục đích làm cách mạng dân tộc, dân chủ, tìm bắt liên lạc với tổ chức cách mạng ở các nơi khác, tìm đọc sách báo tiến bộ”(1). Mặc dù mới ra đời, chưa có điều lệ và chương trình hoạt động cụ thể nhưng “Việt Nam độc lập đảng” đã tạo được dấu ấn với việc tổ chức cho thanh niên, học sinh, trí thức, công chức và nhân dân thị xã Quảng Trị trong việc tập trung lực lượng, hưởng ứng các hoạt động tự do, dân chủ…. Tổ chức này chính là hạt nhân giữ vai trò quan trọng trong quá trình vận động thành lập các tổ chức cộng sản ở Quảng Trị sau này.
Nguyễn Đình Cương có người em trai là Nguyễn Đình Từ, tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào cuối năm 1926, rồi được cử học tiếp trường Quân sự Hoàng Phố, là thành viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (gọi tắt là Hội Thanh niên). Khoảng giữa năm 1927, Nguyễn Đình Từ về nước hoạt động đã tìm đến Quảng Trị với tư cách là phái viên của Tổng bộ Thanh niên, tuyên truyền điều lệ Hội, phổ biến báo Thanh Niên, giao nhiều tài liệu sơ giản về chủ nghĩa cộng sản cho Nguyễn Đình Cương và các thành viên trong Việt Nam độc lập đảng để nghiên cứu nhằm đi đến thống nhất cải tổ Việt Nam độc lập đảng thành chi bộ Thanh niên Quảng Trị.
Khi nhóm Việt Nam độc lập đảng họp bàn việc cải tổ, hầu hết các thành viên nhất trí tán thành và “chi bộ Thanh niên Quảng Trị được thành lập do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư”(2), hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Chi bộ Thanh niên Quảng Trị do Nguyễn Đình Từ trực tiếp phụ trách và báo cáo tình hình về Tổng bộ. Ngoài việc xây dựng tổ chức cơ sở trong tỉnh, chi bộ Thanh niên Quảng Trị còn được Tổng bộ giao nhiệm vụ tích cực phát triển hội viên và các cơ sở ở ngoài tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hội An. Ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), sau khi Nguyễn Đình Liễn(3) vào Quảng Trị gặp những người em của mình – Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Đình Từ - đã được tuyên truyền, giác ngộ và gia nhập vào Thanh niên, được giao nhiệm vụ gây dựng tổ chức cơ sở Hội ở quê nhà. Đến giữa năm 1928, ở Cẩm Xuyên, tổ chức Thanh niên đã phát triển được 32 hội viên với 5 chi bộ.
Ở Quảng Trị, ngoài chi bộ Thanh niên do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư còn có một nhóm 3 thành viên Thanh niên do chi bộ Thanh niên Thanh Hóa kết nạp và giới thiệu về. Nhận thấy phong trào Thanh niên Quảng Trị có những bước phát triển mạnh, đầu năm 1928, các chi bộ Thanh niên Quảng Trị mở hội nghị hợp nhất và thành lập Tỉnh bộ chính thức. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ với 4 ủy viên (Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Xuân Luyện, Trịnh Đức Tân, Hoàng Hữu Đàn) do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư và xuất bản tờ báo “Phấn Đấu” làm cơ quan tuyên truyền, đồng chí Hoàng Hữu Đàn làm chủ bút. Sau hội nghị, các thành viên tích cực đi về các cơ sở tuyên truyền, phát triển hội viên. Hoạt động của Thanh niên có ảnh hưởng lớn trong các tầng lớp nhân dân và tính đến giữa năm 1929, ở hầu hết các huyện, thị xã có chi bộ cơ sở với hàng trăm hội viên. Nhằm che mắt địch và tạo nguồn tài chính để hoạt động, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị đã thành lập tổ kinh tế “Hưng nghiệp hội xã” trên cơ sở các hội viên đóng cổ phần góp vốn. Hưng nghiệp hội xã chú trọng khuyến khích bán các sản phẩm hàng hóa nội địa, mở các chi điếm ở các huyện lỵ trong tỉnh, bề ngoài hoạt động kinh doanh, lấy danh nghĩa các cổ phần góp vốn nhưng thực chất bên trong là địa điểm tập trung hội họp, bàn bạc công việc cách mạng.
Năm 1928, ở Triệu Phong có tổ chức quần chúng “Ái hữu dân đoàn” do Trần Hữu Dực lập ra, thành phần gồm thanh niên học sinh, nông dân, hoạt động với mục đích đấu tranh chống địa chủ cường hào áp bức, bài trừ mê tín dị đoan, hỗ trợ nhau trong làm ăn… Hoạt động của tổ chức này đã làm cho bộ phận lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên chú ý, Bí thư Nguyễn Đình Cương đã cử đại diện đến liên lạc, tìm hiểu rồi vận động Ái hữu dân đoàn gia nhập và trở thành tổ chức quần chúng cách mạng của Tỉnh bộ Thanh niên. Bên cạnh đó, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị tiếp tục vận động, lôi kéo các đảng viên Tân Việt trong tỉnh và kết quả, tổ chức Tân Việt đã sát nhập vào Tỉnh bộ Thanh niên. Đến thời điểm này, tổ chức Thanh niên Quảng Trị do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư đã có một lực lượng đông đảo, lớn mạnh, thống nhất và nắm giữ vai trò lãnh đạo chủ yếu phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.
Kết quả việc thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Tỉnh bộ Thanh niên từ cuối năm 1928 đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở Quảng Trị phát triển lên tầng cao mới, đòi hỏi bức thiết lập ra một chính đảng của giai cấp công nhân có khả năng tập hợp, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Trước tình hình đó, Bí thư “Nguyễn Đình Cương muốn giải tán Thanh niên để lập ra tổ chức cộng sản … Ngày 15/5/1929, Trần Văn Cung (Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập tháng 3/1929 tại Hà Nội) đã đến Quảng Trị gặp Nguyễn Đình Cương để bàn bạc vấn đề này”.(3) Trên tinh thần cuộc gặp, ngày 16/5/1929, Nguyễn Đình Cương triệu tập những hội viên ủng hộ chủ trương lập tổ chức cộng sản đến làng Long Hưng (Hải Lăng) để nghe Trần Văn Cung nói về chủ nghĩa cộng sản, chuyên chính vô sản, đường lối cách mạng ở Đông Dương… Cuối cùng, tất cả hội viên có mặt tại cuộc họp nhất trí giải tán Thanh niên, thành lập tổ chức cộng sản. Nhóm cộng sản đầu tiên của Quảng Trị được thành lập do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư.
Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập vào ngày 17/6/1929, các thành viên được cử vào Trung Kỳ, Nam Kỳ vận động thành lập đảng trong toàn thể Việt Nam. Tại Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ - đã đưa truyền đơn và tài liệu của Đông Dương Cộng sản Đảng giao cho nhóm cộng sản, “hai đồng chí Nguyễn Đình Cương, Trần Hữu Dực nhận nhiệm vụ trực tiếp in và rải truyền đơn”(4). Nguyễn Đình Cương rải ở thị xã Quảng Trị, các đồng chí khác mỗi người phụ trách một địa bàn. Truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng tạo được dư luận lớn đến các tầng lớp nhân dân. Chính quyền thực dân, phong kiến hốt hoảng, một mặt tìm cách đối phó, mặt khác tung quân lính, mật thám lùng sục, bắt bớ các đảng viên cộng sản và hội viên Thanh niên. Trong thời gian 2 tháng, nhiều đảng viên, hội viên bị địch bắt giam, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Nguyễn Đình Cương, Trần Hữu Dực, Lê Thế Hiệt…
Ngày 13/10/1929, tòa án Nam triều ở Quảng Trị đưa 37 người bị bắt trong cuộc rải truyền đơn trước đó ra xét xử và kết án. Nguyễn Đình Cương với vai trò tổ chức, lãnh đạo đã phải chịu mức án cao nhất trong số những người bị xét xử là tù chung thân. Những người khác từ 11 tháng đến 13 năm tù giam tùy theo mức độ. Nguyễn Đình Cương bị đày ở nhà lao Lao Bảo, sau đó chuyển lên nhà lao Kon Tum. Đến năm 1936, với sự thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, ông được ân xá nhưng bị quản thúc tại quê nhà. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia cướp chính quyền ở Cẩm Xuyên, được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Nguyễn Đình Liễn (bao gồm xã Cẩm Hưng và Cẩm Thịnh ngày nay). Sau ông ra tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, làm ở Ban Nông vận Trung ương. Nguyễn Đình Cương mất năm 1970 tại quê nhà, được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất.
Sau này, đánh giá về vai trò của Nguyễn Đình Cương đối với quan điểm, tư tưởng chính trị của mình thời kỳ mới tham gia làm cách mạng, cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đầu tiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực (1910 – 1993) đã viết trong cuốn Hồi ký “Bước qua đầu thù” như sau:“qua nhiều lần thảo luận với Nguyễn Đình Cương, qua tìm đọc, nghiền ngẫm, lĩnh hội thêm nhiều tài liệu… tư duy của tôi ngày càng phát triển rõ ràng hơn”.(5)
Ngục tù đế quốc ngăn không cho Nguyễn Đình Cương tiếp tục cống hiến cho phong trào cách mạng Quảng Trị, nhưng các đồng chí của ông vẫn kiên cường nối bước. Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, các tổ chức cộng sản ngày càng lớn mạnh, thành lập thêm nhiều chi bộ. Đến tháng 11/1930, Tỉnh ủy Quảng Trị chính thức được thành lập do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư, đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, đấu tranh cho tự do, dân chủ, làm nên thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong những thành quả đó, không thể không nhắc đến vai trò và công lao của Nguyễn Đình Cương đối với quá trình vận động, thành lập các tổ chức cộng sản, làm cơ sở cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị sau này.