Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Là một trong những chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực. Vốn là giáo viên trường tiểu học Vinh, vì tham gia truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh nên bị buộc không được dạy học nữa. Từ năm 1926 đồng chí tham gia nhóm Phục Việt, sau đổi tên là Tân Việt. Đồng chí Hà Huy Tập giữ cương vị Tổng Bí thư trong quãng thời gian không dài (giữa năm 1936 đến tháng 3/1938). Song, những đóng góp của ông cả thời kỳ trước và sau khi làm Tổng Bí thư của Đảng là vô cùng to lớn.
Tham gia hoạt động yêu nước từ rất sớm, Hà Huy Tập sớm thể hiện tư chất thông minh và bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Cuối năm 1925, ông gia nhập Hội Phục Việt và hoạt động hết mình theo phân công của tổ chức. Hội Phục Việt lúc này mang tên mới là Hội Việt Nam Cách mạng Đảng, nhận thấy Hà Huy Tập là người giỏi về tổ chức và tuyên truyền đã phái ông vào Nam kỳ hoạt động. Năm 1927, ông dạy học ở An Nam học đường tức trường Nguyễn Xích Hồng, Sài Gòn, và cùng Nguyễn Đinh Kiên, Đào Xuân Mai, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Khoa Hiền… hoạt động tổ chức Tân Việt.
Cuối năm 1928, ông cùng với Phan Đăng Lưu, Lê Liên Vũ, Trần Ngọc Danh sang Quảng Châu, Trung Quốc, liên lạc với Tổng Bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội bàn bạc việc hợp nhất giữa hai tổ chức. Sau đó, Phan Đăng Lưu trở về nước, ông cùng Trần Ngọc Danh được giới thiệu sang học ở Liên Xô tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva với bí danh là Xinhitrơkin. Ngày 19/7/1929 Hà Huy Tập đến Mátxcơva, nhập học ngày 24/7/1929 tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Nhờ vậy mà Hà Huy Tập đã được nghiên cứu các tác phẩm về chủ nghĩa Cộng sản của Các Mác và Lênin. Giúp ông hiểu rõ vấn đề về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Cuối năm 1929, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga.
Khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Hà Huy Tập, chúng ta được biết ông là người sớm có những hoạt động và cống hiến trong công tác báo chí cách mạng. Ngay khi còn đang học tại trường Đại học phương Đông, đồng chí là Ủy viên Ban Biên tập báo Dân tộc ở Liên Xô bằng tiếng Việt. Trong thời gian 1932 -1933, khi chờ tìm đường về nước hoạt động, Hà Huy Tập đã viết một số bài báo về Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào Đông Dương gửi đăng trên tạp chí Bôn sơ vích. Đây là những bài báo thể hiện rõ quan điểm của Hà Huy Tập trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo tất yếu của Đảng đối với tiến trình phát triển cuả cách mạng Đông Dương.
Tháng 3/1935, Hà Huy Tập được cử làm bí thư Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp chủ trì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất họp từ 27 đến 31 tháng 3 năm 1935 tại nhà số 2, đường Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí Hà Huy Tập đọc báo cáo chính trị tổng kết phong trào cách mạng Đông Dương. Tháng 7/1936, Ban Chỉ huy ở ngoài của Ðảng họp và quyết định cử đồng chí Hà Huy Tập, Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài về nước để tổ chức Ban Chấp hành Trung ương, khôi phục các tổ chức đảng và giữ chức Tổng bí thư của Đảng. Tháng 3/1938, ông thôi giữ chức Tổng Bí thư, là Ủy viên Thường vụ Trung ương và thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 5-1938, Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt khi đang trên đường đi công tác. Trong hoàn cảnh ở Pháp Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền, nên chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam mặc dầu biết Hà Huy Tập là người lãnh đạo quan trọng của Đảng nhưng không thể lấy lí do đó để bắt giam đồng chí, phải lấy cớ trộm cắp giấy tờ, mang căn cước của người khác để phạt đồng chí tám tháng tù và năm năm quản thúc tại quê nhà Hà Tĩnh. Nhưng đến tháng 3/1940 thực dân Pháp vu cáo Hà Huy Tập có trách nhiệm về tinh thần đối với khởi nghĩa Nam Kỳ, nên đã bắt lại đồng chí và tòa án thực dân tuyên án tử hình. Ngày 28/8/1941, Hà Huy Tập cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… bị địch xử bắn tại trường bắn Hóc Môn - Gia Định.
Với một trí tuệ sắc sảo và nền học vấn tương đối vững vàng, ngay từ khi mới tham gia Hội Phục Việt, ông đã tỏ ra là người có năng lực tư duy lý luận, quan tâm nhiều đến các vấn đề lý luận tổ chức và xây dựng Đảng. Hà Huy Tập giữ vai trò quan trọng thời kỳ dựng Đảng và tiếp tục hoạt động trong những năm (7-1936 đến 3-1938) trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Hà Huy Tập là người chiến sĩ cộng sản kiên cường đã trọn đời hy sinh cho Đảng và dân tộc.
Hà Huy Tập là một trong những nhà hoạt động cách mạng lớp đầu tiên của Đảng, cùng với các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ … đã viết nên những trang sử bằng vàng của lịch sử cách mạng Việt Nam trong những giai đoạn đầu tiên khó khăn của cách mạng. Cống hiến nổi bật của đồng chí Hà Huy Tập là chủ trì tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng trong điều kiện vô cùng khó khăn trước sự truy lùng, vây bủa của kẻ thù.Thành công của Đại hội đã góp phần rất quan trọng trong việc khôi phục hệ thống tổ chức Đảng đã bị phá vỡ từ đầu những năm ba mươi của thế kỷ XX. Đồng chí Hà Huy Tập là nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta trên mặ trận tư tưởng, lý luận, đấu tranh không khoan nhượng với các phần tử “tả” khuynh, bảo vệ những nguyên tắc của Đảng và sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Những cống hiến ấy đã tạo tiền đề vô cùng quan trọng để thúc đẩy phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng tám năm 1945.
Suốt 16 năm từ khi tham gia hoạt động cách mạng đến khi trút hơi thở cuối cùng, Hà Huy Tập đã dành trọn cuộc đời cho công tác xây dựng Đảng. Tài năng về tổ chức của Hà Huy Tập được thể hiện thông qua những hoạt động không mệt mỏi nhằm xây dựng đường lối và khôi phục tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng từ Trung ương đến cơ sở, góp phần to lớn vào việc giữ vững và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương trong những năm 30 của thế kỷ XX. Dân tộc ta, Đảng ta tự hào về tấm gương hy sinh, về cuộc đời hoạt động của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, có tư tưởng lớn.Thắng lợi vẻ vang, oanh liệt của Đảng ta, của dân tộc ta trong mỗi bước tiến của sự nghiệp đấu tranh và phát triển đất nước đều mang những dấu ấn đậm nét của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập cùng nhiều vị cách mạng tiền bối khác trong buổi đầu thời kỳ thành lập Đảng.
Cúc Nguyên