Phần I: Quê hương, dòng tộc và gia đình của đồng chí Hà Huy Tập
Huyện Cẩm Xuyên, quê hương của Tổng Bí thư Hà Huy Tập nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, có đường quốc lộ 1A chạy qua về phía Đông Nam của tỉnh, phía Bắc giáp biển Đông, thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, phía Đông và Đông Nam giáp huyện Kỳ Anh, phía Tây và Tây Nam giáp hai huyện Thạch Hà và Hương Khê, phía Nam giáp huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình là một trong những vùng quê có truyền thống đoàn kết, chịu thương, chịu khó và người dân nơi đây rất thông minh, hiếu học. Trải qua các triều đại phong kiến, Cẩm Xuyên có nhiều người đỗ đạt cao như: Hà Huy Kiểu, Hà Huy Nhiếp, Hà Huy Phẩm, Hà Huy Đỉnh (đều là người con của làng Kim Nặc - Tổng Thổ Ngọa củ - xã Cẩm Hưng ngày nay), Dương Chấp Trung, Lê Tự, Biện Hoàng Tổng, Lê Phúc Nhạc, Hoàng Xuân Cảnh, Hoàng Công Minh.. Võ quan cũng có nhiều vị tài ba như: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trụ, Nguyễn Thạch, Nguyễn Giám, Nguyễn Biên, Nguyễn Khắc Trọng… Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Xuyên luôn tự hào là quê hương của các phong trào cách mạng lớn, quê hương của những lãnh tụ xuất sắc trong các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp nổi tiếng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Với những truyền thống tốt đẹp đó, Nhân dân Hà Tĩnh nói chung và người dân huyện Cẩm Xuyên nói riêng đã đóng góp xứng đáng vào truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Truyền thống đó vừa là sức mạnh của quê hương, đồng thời là hành trang và nguồn cổ vũ to lớn cho lớp lớp thanh niên cách mạng. Trong số những người con ưu tú của quê hương, Hà Huy Tập là người sớm tiếp thu và phát huy được nét đẹp của truyền thống quê hương, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, một tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh bất khuất kiên trung, hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, Tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Từ nhỏ Hà Huy Tập đã chứng kiến cảnh nghèo đói, bị áp bức tủi nhục của người dân mất nước, lại sớm hấp thụ được truyền thống tốt đẹp của quê hương. Tất cả những yếu tố đó đã hun dúc trong anh khí chất cứng cỏi, cương trực, thẳng thắn, thanh bạch của tầng lớp chí sỹ đương thời, hình thành trong anh nhân cách và nghị lực sống có lý tưởng vì nước, vì dân. Bên cạnh, Hà Huy Tập còn được ảnh hưởng từ truyền thống tốt đẹp của dòng tộc họ Hà - một dòng họ đoàn kết, hiếu học, thông minh, là dòng họ gắn với khoa bảng, nhân sỹ, trí thức.
Theo gia phả lưu truyền để lại, dòng họ Hà là một trong những dòng họ lớn, có mặt rất sớm ở Hà Tĩnh (1415), phát tích từ xã Lạc Dung, huyện Kỳ Hoa. Đến thời nhà Lê con cháu họ Hà di cư đến xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc sinh sống nhiều đời ở đây. Sau đó đến đầu thế kỷ thứ XVII, do biến cố lịch sử (dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh), nên một số con cháu họ Hà phải di dời phân tán đi khắp nơi, trong đó có một người con vào làng Kim Nặc - Tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (nhánh Hà Tôn Nhân). Một người về Yên Định (Thanh Hóa), một người về xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh (nhánh Hà Tôn Danh). Trong gia phả họ Hà ở Thanh Hóa có ghi mấy câu:
“Tỉnh Thanh đôi ngã bốn chi
Trưởng chi Can Lộc, thứ về Cẩm Xuyên
Thứ ba Yên Định băng miền
Thứ tư đến xã Tiên Điền, Nghi Xuân”
Dưới thời vua Trần Dụ Tông có Thủy tổ họ Hà là Thượng Tướng quân Hà Công Mại hay còn gọi là Hà Mại (1334-1410), ông là một người văn võ song toàn, Ông từng chỉ huy đội quân bảo vệ vua đi kinh lý phía Nam nước Đại Việt, trấn Nghệ An. Năm 1356, ông làm tướng chỉ huy đội quân bảo vệ biên giới phía Nam nước Đại Việt chống quân Chăm. Năm 1377, ông trấn thủ xứ Nghệ An với hàm Thượng tướng quân, tước Thượng vị hầu.
Đại tướng quân Hà Tông Chính (còn gọi là Hà Dư), sinh năm 1366, là con trai của tướng quân Hà Mại. Năm Bính Tý (1396), do có nhiều thành tích trong chỉ huy chiến đấu và bảo vệ biên giới, ông đã được triều Trần phong Hoàng Bảng Đại tướng quân. Mùa đông năm Mậu Tí (1408) tướng quân Hà Tông Chính và con trai thứ hai là Hà Sản tham gia và chỉ huy trận Bô Cô đánh tan 10 vạn quân Minh…
Dưới triều đại vua Lê Thánh Tông có Hà Tôn Trình, năm Quang Thuận thứ 7 (1467), đậu Nhị giáp Tiến sỹ, khi ông mới 37 tuổi. Sau đó ông được bổ nhiệm làm tri huyện Tứ kỳ, Tri phủ Triệu Phong, rồi làm Tham chánh đạo Nam Sơn. Ông là bậc hiền tài trong thiên hạ, một vị quan thanh liêm hết lòng chăm lo việc dân, việc nước. Ông được thăng Quốc tử giám tế tửu (người đứng đầu trong các cuộc thi tiến sỹ), làm Thái Thượng thư khanh, sau đó được vua Lê sắc phong Thượng thư Bộ Binh kiêm Thượng thư Bộ Hình.
Dưới triều Lê Hy Tông có Hà Tôn Mục, đậu Tiến sỹ khoa Mậu Thìn (1688), có kiến thức uyên thâm, giỏi ngoại giao nên được vua cử đi sứ phương Bắc. Ông đã giữ trọn khí chất trung nghĩa, thuyết phục đối phương nhận ra lẽ phải trái, buộc Sầm Nghi Phượng phải viết thư tạ lỗi, rút quân khỏi đất Tuyên Quang, giữ được yên bình vùng biên giới. Sau này, ông được vua Lê sắc phong “Thượng Thư hầu”.
Dưới triều Lê Dụ Tông, có Hà Tông Huân, đậu Bảng nhãn; Đời thứ 8 có Hà Huy Sào, 20 tuổi đã thi đậu tam trường, được bổ nhiệm làm Hiệu sinh tại phủ nhà, sau đó làm quan Tri huyện Bình Dương, rồi Tri phủ Trường Khánh; đời thứ 9 có Hà Huy Phúc, 30 tuổi thi đậu tam trường, được bổ nhiệm Hậu sinh tại phủ nhà.
Đời Lê Cảnh Hưng có Hà Huy Đán (cụ nội Hà Huy Tập) đỗ tú tài (1819), được vua Lê sắc phong “Tư doãn đồ”; Ông nội Hà Huy Tập là Hà Huy Phẩm, đậu cử nhân đời nhà Nguyễn, đời vua Tự Đức và làm Đốc học Quảng Bình; Bác ruột Hà Huy Tập là bác sỹ Hà Huy Sàn làm quản đốc Nhà thương Hà Tĩnh và là con rể của chí sỹ yêu nước Ngô Đức Kế (Can Lộc); Con trai Hà Huy Sàn là Hà Huy Kham đỗ tú tài, làm nghề dạy học; người bác thứ hai của Hà Huy Tập là Hà Huy Liêm làm quan đốc học lục tỉnh Nam Kỳ; thân sinh của Hà Huy Tập là Hà Huy Tương, người được học hành tử tế, dự thi hương nhưng không ra làm quan, về quê dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân.
Theo sử sách ghi lại thì họ Hà ở Cẩm Hưng nói riêng và huyện Cẩm Xuyên nói chung, thời phong kiến, có nhiều người học giỏi, thi đỗ đạt cao, nhiều người đậu cử nhân xuất sắc; từ khi chính quyền về tay Nhân dân (1945) đến nay, họ Hà Cẩm Xuyên có rất nhiều vị là có học hàm học vị cao, nhiều nhân sỹ trí thức, tiêu biểu như: GS,TS,TTND Hà Huy Tiến (đời thứ 15, gọi Hà Huy Tập bằng chú vai cha), nguyên là Viện trưởng Viện mắt TW; Chuyên gia cao cấp Bộ Ngoại giao Hà Huy Tâm (đời thứ 15, gọi Hà Huy Tập bằng chú vai cha), thành viên tham gia đàm phán và ký Hiệp định Paris 1973; Con trai Hà Huy Tiến là PGS,TS, Bác sỹ cao cấp Hà Huy Tài (đời thứ 16), công tác tại Bệnh viện mắt Tung ương; Con trai cả của Hà Huy Tâm là Hà Huy Thông (đời thứ 16), Chuyên gia cao cấp của Bộ ngoại giao, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Hà Lan, sau làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; con trai thứ của Hà Huy Tâm là TS.Hà Huy Tuấn, làm Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia… và có nhiều rất người giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền nhiều cấp khác.
Phát huy truyền thống quê hương, dòng tộc, gia đình, Hà Huy Tập sớm có lòng yêu nước nồng nàn, nuôi ý chí giải phóng dân tộc. Từ những hoạt động yêu nước ban đầu, dần dần Hà Huy Tập hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân và hàng ngũ giáo viên, học sinh, nghiên cứu sách báo và Chủ nghĩa Xã hội. Từ một người yêu nước nhiệt thành, Hà Huy Tập trở thành chiến sỹ cộng sản, là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Bản lĩnh chính trị vững vàng của người cộng sản trung kiên Hà Huy Tập phần lớn được hình thành từ truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương dòng tộc và gia đình.
Phần II: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, dòng tộc và gia đình đến sự hình thành nhân cách và lý tưởng của đồng chí Hà Huy Tập
Được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở nông thôn, thuộc một vùng đất cằn sỏi đá, thiên nhiên còn ưu ái thêm như: Nắng hạn, gió Lào, thiên tai, lũ lụt… quanh năm đeo bám. Hà Huy Tập cùng với gia đình, quê hương phải trải qua cảnh thiếu thốn vất vả, khổ cực ngay từ nhỏ. Phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908 từ Miền Trung lan ra Hà Tĩnh. Người dân Cẩm Xuyên cùng nông dân trong tỉnh rầm rộ kéo lên tỉnh đường đưa yêu sách đòi giảm sưu, hoãn thế. Hình ảnh những người nông dân trong làng rách rưới mang áo tơi, đội nón lá kéo nhau đi đấu tranh, bừng bừng nỗi căm hời, phẩn uất, đã để lại và in đậm trong lòng tuổi thơ Hà Huy Tập theo cùng năm tháng.
Thừa hưởng được tính cách và khí tiết cứng cỏi của người cha, một nhà nho yêu nước, thương dân, bên cạnh còn ảnh hưởng từ một dòng họ có truyền thống đoàn kết, yêu nước nhiều thế hệ truyền đời. Nên Hà Huy Tập đã tỏ rõ một tính cách cương thực, thẳng thắn, có phản ứng tức thời với mọi điều ngang trái, sẵn sàng bênh vực những người nghèo khôt, bị áp bức… Bản tính đó cùng với truyền thống quê hương và sự giáo dục của gia đình là những nhân tố đưa Hà Huy Tập dấn thân vào con đường cách mạng, đấu tranh chống lại áp bức, bất công.
Đồng cảm với thân phận của những người nông dân khổ cực, nên trong lòng Hà Huy Tập hết sức căm giận và phẩn nộ và tỏ rõ thái độ phản kháng tích cực đối với chế độ phong kiến chuyên chế của bọn thực dân cướp nước. Khi còn là một giáo viên, Hà Huy Tập luôn luôn chống lại những quyết định tùy tiện, võ đoán của viên hiệu trưởng. Anh cũng tuyên truyền tư tưởng chống đối của mình trong đám học sinh và giáo viên, thái độ bất phục tùng của anh đã khiến chính quyền thực dân xếp anh vào loại cứng đầu, một phần tử chống đối. Đó cũng là một trong những lý do để chính quyền thực dân không nâng lương cho anh, đe dọa cho nghỉ dạy và luân chuyển anh đến những vùng khó khăn, xa xôi để nhằm loại trừ anh.
Hà Huy Tập đã nhanh chóng tiếp xúc dần với báo chí tiến bộ từ Pháp và Trung Quốc gửi về. Năm 1923, anh tốt nghiệp tại trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu và được trở vào dạy ở trường tiểu học Pháp - Việt, Nha Trang. Với bầu nhiệt huyết và ý chí của tuổi trẻ, ngoài việc dạy học anh còn say sưa nghiên cứu các báo chí tiến bộ thời đó, đồng thời tham gia tích cực vào phong trào yêu nước ở địa phương. Ngày 14/7/1925, Hội phục Việt, một tổ chức yêu nước được thành lập. Hội có tổ chức cơ sở khá mạnh ở Thanh Nghệ Tĩnh lan dần vào Nam Kỳ. Cuối năm 1925, Hà Huy Tập tham gia Hội Phục Việt, là một trong những người xã thân cho những hoạt động của Hội.
Tháng 01/1928, Hội Hưng Nam (tên mới của Hội Phục Việt) tổ chức Hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Hà Huy Tập dự Hội nghị này với tư cách Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ. Hội nghị bàn về việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Rời Hà Tĩnh, Hà Huy Tập trở lại Sài Gòn, dạy học tại trường tiểu học tư thục mang tên An Nam học đường ở Gia Định và hoạt động ngày càng tích cực. Tháng 6/1928, Hiệu trưởng An Nam học đường có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của anh với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa. Sau đó, Hà Huy Tập xin vào làm việc ở một hiệu buôn đến tháng 8/1928, anh rời khỏi hiệu buôn đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian này, Hà Huy Tập đã vận động thành lập được chi bộ Đảng trong công nhân do anh làm Bí thư.
Tháng 12/1928, anh được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia khóa huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Ấn tượng mạnh với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tác phẩm Đường Cách Mệnh, Hà Huy Tập tích cực hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Ngày 19/7/1929, anh sang Liên Xô, học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva với bí danh là Xinhitrơkin. Cuối năm 1929, được kết nạp vào Đảng Cộng sản liên bang (bônsêvích) và tháng 3/1932, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông và ở lại Liên Xô hoạt động.
Trong thời gian ở Liên Xô, Hà Huy Tập viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp gồm ba phần, chia thành 10 chương. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng ta từ đầu cho đến tháng 3/1933. Giữa năm 1933, Hà Huy Tập bí mật về Trung Quốc, bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài, do Lê Hồng Phong làm thư ký; Hà Huy Tập làm ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động và Tổng Biên tập tạp chí Bônsơvích. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng.
Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27- 31/3/1935. Hà Huy Tập chủ trì và đọc Báo cáo chính trị của Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Thời gian này do đồng chí Lê Hồng Phong bận đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, trọng trách lãnh đạo cách mạng do Hà Huy Tập đảm nhiệm. Tháng 7/1936, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương đã phân công Hà Huy Tập về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các tổ chức Đảng trong nước. Ngày 12/10/1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại Hội nghị này, Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trong thời gian làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương. Triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương (3/1937, 9/1937 và 3/1938), Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã góp phần tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo và cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đưa phong trào tiến lên những bước mới.
Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị địch bắt do có chỉ điểm và đưa về giam ở Khám lớn, Sài Gòn. Ngày 24/5/1938, phiên tòa tiểu hình tại Sài Gòn xét xử Hà Huy Tập đã tuyên án 2 tháng tù giam và 5 năm cấm cư trú tại Nam Kỳ, trục xuất về quê quản thúc. Ngày 30/3/1940, Hà Huy Tập bị bắt lại và đưa vào Nam Kỳ để xét xử. Thời điểm này, nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, nên ngay sau đó, thực dân Pháp thẳng tay bắt bớ, giam cầm và sát hại nhiều đồng chí, đồng bào ta. Ngày 3/4/1941, Tòa án binh Sài Gòn đưa Hà Huy Tập và những người chúng bắt được trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ra xét xử và tuyên án tử hình, giam ở xà lim chém. Ngày 25/10 năm đó, Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử tuyên án 5 năm tù giam và ngày 28/8/1941, ông bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác như: Nguyễn Hữu Tiến, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… Bức thư cuối cùng anh gửi cho gia đình viết: “Nếu tôi phải bị chết… thì gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người chết mà phải buồn; trái lại, nên xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn… mà thôi”. Trước tòa án của kẻ thù, Hà Huy Tập đầy hiên ngang và kiên trung đã khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc! Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”. Lời tuyên bố hào hùng đó đã làm cho kẻ thù phải run tay và khiếp sợ.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên, cốt cán của Đảng và tuy thời gian hoạt động cách mạng không dài, nhưng Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang; đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đã để lại cho Đảng những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng. Qua đời từ khi mới 35 tuổi nhưng tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường; một người lãnh đạo tận tụy, năng động; một cây bút lý luận xuất sắc của Đảng thập niên 1930; người đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng cộng sản của Tổng Bí thư Hà Huy Tập cùng bao anh hùng, liệt sĩ khác mãi mãi in đậm trong trái tim, khối óc mỗi người dân Việt Nam.
Tổng bí thư Hà Huy Tập đã ngã xuống nhưng vẫn giữ mãi một niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Tên tuổi, sự nghiệp và những công hiến của anh sẽ sống mãi trong lịch sử quang vinh của Đảng và dân tộc Việt Nam./.
ThS. Hà Huy Trinh, Huyện ủy Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh