TP - Năm 1928, khi Hà Thị Thúy Hồng còn trong bụng mẹ thì bố ra đi hoạt động cách mạng. Đến 1975 đất nước thống nhất, bà bước sang tuổi 46 mới biết bố mình là cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Bà Hà Thị Thúy Hồng kể: Năm lên khoảng 4-5 tuổi, theo má là bà Nguyễn Thị Giáo, tôi từ quê ở Hà Tĩnh đi vào Nam. Mẹ con tôi vào Sài Gòn sống một thời gian rồi xuống Cần Thơ. Sau đó lại lên Sài Gòn.
Tôi chỉ biết ba tôi là Hà Huy Tập, tham gia hoạt động cách mạng rồi bị xử tử. Thời đó hàng nghìn hàng vạn người hoạt động cách mạng, nào tôi có biết ba tôi làm đến chức vụ gì đâu.
Thời buổi sống trong lòng địch, má tôi cũng chẳng dại gì tiết lộ tung tích của ba nên tôi không biết cũng chẳng có chi là lạ.
Chúng tôi hỏi bà biết mình là con gái của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập từ bao giờ? Bà Hồng nhớ lại: Hồi ấy, sau giải phóng đất nước 1975, nghe trên đài có người ngoài Bắc nhắn tin: “Tìm người nhà có tên là Hà Thị Thúy Hồng con ông Hà Huy Tập là cán bộ TW Đảng bị kết án tử hình cùng đợt với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Nguyễn Thị Minh Khai... có mẹ là Nguyễn Thị Giáo, hiện còn sống ở đâu thì cho người nhà biết tin theo địa chỉ...”.
Nghe được tin ấy, tôi liên hệ với người cô ruột đang công tác ở Hà Nội và một người cô hiện đang sinh sống ở quê nhà... Thế là gặp nhau! Nếu đất nước chưa giải phóng thì làm gì tôi biết được bố mình là cán bộ TW.
Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ở Sài Gòn cái tên Hà Huy Tập mấy ai nhắc đến. Tôi chỉ biết tên của ba mình trong tờ hôn thú với má và trong tờ giấy khai sinh của tôi, má đã cẩn thận cất dưới đáy của một cái rương gỗ.
Theo hồi ức của bà Hồng thì cuối 1975 bà ra Hà Nội gặp được người cô ruột em gái út của bố mình tên là Hà Thị Thước lấy chồng và công tác ở Thủ đô. Cô Thước nói cho Hồng biết gia đình ông bà nội sinh được 5 người con, người anh cả tên là Hà Huy Sum (ở quê còn có tên gọi là Sâm).
Ngôi nhà của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập năm xưa |
Ông Hà Huy Tập là con thứ hai, sau còn 3 em gái, một người có tên là Hà Thị Chuốt mất từ hồi nhỏ. Còn lại Hà Thị Chước người em gái kề ông Tập lấy chồng ở quê có tên là Nguyễn Đình Cương cũng hoạt động cùng thời với ông Tập là đảng viên Cộng sản thời kỳ 1930-1931.
Bà Hồng nhớ lại: “Năm đó tôi ra Hà Nội gặp được cô và các em là rất mừng, muốn về thăm quê, nhưng o Thước bận không đưa về được. Tôi trở về Sài Gòn sống trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
Một hôm có một phụ nữ tìm đến nhà tự giới thiệu là Hồng Minh con gái của ông Lê Hồng Phong và bà Nguyễn Thị Minh Khai. Hồng Minh nói với tôi: “Ba má em cũng là đồng hương xứ Nghệ với ông Tập và bà Giáo. Em nghe tin chị trên đài, biết được địa chỉ em tìm đến đây...”. T
ừ đó Hồng Minh cho tôi rất nhiều sách báo nói về ông Hà Huy Tập. Tôi đọc trong những cuốn sách ấy có người thì viết ba tôi sinh năm 1901, có người lại viết 1902, có người thì viết 1903 nhưng trong tờ hôn thú chính tay ba tôi viết đầu năm 1928 khi kết hôn với má tôi thì ghi sinh ngày 24 tháng 4 năm 1906.
Có lẽ đây là nguồn chính xác nhất nên sau này TW lấy đó để làm lễ kỷ niệm ngày sinh của ba tôi.
Bà Thúy Hồng ngậm ngùi ôn lại nhiều kỷ niệm: Năm 1928 khi tôi đang trong bụng mẹ thì ba tôi đã lên đường xuất dương sang hoạt động ở nước ngoài... Tôi chưa một lần được để tang cho ba tôi.
Sau ngày giải phóng, tôi ra Hà Nội gặp cô ruột và một người cậu họ cũng làm trên TW nói nhỏ với tôi: Ba của cháu từng làm đến chức Tổng Bí thư, một thời có ảnh treo cao trong Viện Bảo tàng Cách mạng.
Đến bây giờ tôi mới biết ba tôi giỏi lắm, ông thông thạo rất nhiều thứ tiếng, ông viết sách và để lại nhiều công trình.
Còn về bà Nguyễn Thị Giáo, được biết sau khi ông Hà Huy Tập bị kết án tử hình, bà Giáo qua quãng thời gian lận đận, rồi kết duyên với người chồng thứ hai tên là Tạ Phước Lai ở Sài Gòn, sinh thêm 3 người em chung mẹ khác cha với bà Hồng, hiện nay đều sống bên Mỹ.
Bà Giáo mất năm 1997. Ngôi nhà số 45 đường Lam Sơn (khu phố 4, phường 5, Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Hiện nhà bà Hồng đang ở là của mẹ và bố dượng cho.
Còn bà Hồng từ thuở nhỏ được bố dượng coi như con đẻ, cho học xong chương trình Diplome trường Pháp -Việt. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, bà theo nghề mẹ làm giáo viên tiểu học tại trường Chi Lăng, rồi xây dựng gia đình với ông Bùi Quang Hiên hơn bà 6 tuổi.
Ông Hiên đã từng hoạt động cách mạng gắn bó với vùng chiến khu D, bị tù đày ở Côn Đảo suốt 10 năm. Năm 1965 ra tù, ông về hoạt động ở thành phố, rồi mất 1988. Ông bà có 3 người con đều là gái có tên là Hồng Anh, Hồng Liên và Hồng Vân.
Cô gái út hiện nay định cư ở Mỹ, còn chị Hồng Anh làm ở Cty XNK Nông lâm Thủy sản TPHCM và Hồng Liên làm ở Xí nghiệp in Trần Phú, hiện cả hai đang sống chung với mẹ.
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Hà Thị Thúy Hồng vẫn tiếp tục làm nghề dạy học. Đến năm 1987, thời mà kinh phí cho giáo dục ngặt nghèo bà nghỉ chế độ với khoản tiền trợ cấp một lần.
Hiện nay bà Hồng sống nhờ con và những người em trợ cấp. Mặc dầu vậy bà vẫn dành dụm khoản tiền dôi dư giúp đỡ những người nghèo gặp khó khăn. Riêng khoản 150.000đ/tháng, tiền tuất của chồng, bà đã biếu Hội Phụ nữ phường làm quỹ khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó.
Gần đây qua một người cháu tên là Hà Huy Dũng, bà Hồng gửi 3 triệu về quê giúp đỡ người nghèo và góp phần xây mộ ông nội Hà Huy Tương.
Điều làm người con gái duy nhất của Tổng Bí thư Hà Huy Tập băn khoăn là tại TP HCM cũng như nhiều địa phương trong cả nước những lãnh tụ của Đảng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu... tên đều được chọn đặt cho những tên đường, tên trường, tên phố còn Tổng Bí thư Hà Huy Tập chỉ được một ngôi trường tiểu học ở quận Bình Thạnh mang tên.
Chúng tôi thông tin thêm với bà Hồng là tại quê nhà Hà Tĩnh bên cạnh phường Trần Phú, cũng có phường Hà Huy Tập và có hai ngôi trường thuộc bậc học THCS và THPT ở huyện Cẩm Xuyên đều mang tên Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Hiện nay một khu tưởng niệm ở quê được xây dựng khá đàng hoàng. Khi khu kinh tế Cảng Vũng áng ra đời sau này sẽ có một TP cảng tầm quốc gia, chắc rằng nhiều đường phố và công trình sẽ mang tên Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Nghe vậy, bà Hồng cười và nói lời cảm ơn.
Dùng tiền ưu đãi làm Quỹ học bổng mang tên Tổng Bí thư Hà Huy Tập Ngày 22/4, bà Hà Thị Thúy Hồng về thăm nhà sau 75 năm xa cách biền biệt. Cuộc sống của bà hiện đơn giản như bao người bình dân khác, bà không có lương hưu, không có chế độ trợ cấp nào từ nguồn kinh phí Nhà nước. Khoản tiền 50 triệu đồng trợ cấp theo chế độ dành cho thân nhân của những người có công với cách mạng hoạt động thời kỳ 1930-1931 để xây dựng nhà ở, bà Hồng đã tặng Trường THPT Hà Huy Tập ở huyện Cẩm Xuyên quê nhà làm học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Nguyện vọng cuối đời của bà là mong sao được Đảng và Nhà nước sớm công nhận mình là con liệt sỹ. |